Cẩm nang du lịch

Đồng Tháp Mười (Tiền Giang): Không chỉ là khu bảo tồn sinh thái

Đồng Tháp Mười (Tiền Giang): Không chỉ là khu bảo tồn sinh thái

Thứ Wed, 21/02/2024

       Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), được biết đến không chỉ là nơi có hệ sinh thái đa dạng, bảo tồn nhiều loài động, thực vật phong phú, mà còn được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch. Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thành lập vào năm 2000, với diện tích 106,8 ha, trong đó có 36 ha tràm là khu trung tâm, nơi dẫn dụ chim mồi. Vùng đệm xung quanh khu bảo tồn được xác định có diện tích 1.800 ha, chủ yếu là rừng tràm.

Bảo tồn nhiều loại động thực vật

Hiện Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có đàn động vật hoang dã ước khoảng 10 ngàn con, gồm các loài chim, cá, thú... Trung bình mỗi năm, ở đây còn có thêm khoảng 1.000 chim thú sinh sôi và được dẫn dụ từ các nơi khác đến, nhiều nhất là các loài cò, cồng cộc, vạc, cúm núm... Khu bảo tồn đã được tái tạo như một khu rừng nguyên sinh, có diện tích rừng lớn và được xem là đẹp nhất vùng Đồng Tháp Mười.


Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, qua nghiên cứu, khảo sát, thống kê, tại đây đang có 156 loài thực vật, lớp chim có 147 loài, lớp cá có 34 loài, lớp lưỡng thê có 8 loài, lớp côn trùng có 30 loài sinh sống và phát triển. Chỉ riêng số lượng các loài chim đã có hàng vạn cá thể, được bảo vệ nghiêm ngặt, đang sinh sôi phát triển không ngừng, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm như: Cò ốc, Cổ rắn (điên điển), Già đẩy, Quắm đen, Diệc xám, Diệc lửa, Cò ngà, Dang sen…

Tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, địa phương đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng như: Đường giao thông nội bộ, kinh mương dẫn nước, nhà quản lý, hàng rào bảo vệ… tạo môi trường sống tự nhiên và hoàn toàn biệt lập để các loại động, thực vật sinh sôi phát triển; ngăn chặn sự đánh bắt, khai thác hủy diệt của con người làm mất đi nguồn gen động thực vật quý hiếm, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thiên nhiên đặc hữu Đồng Tháp Mười.

Chính sách bảo vệ nghiêm ngặt, môi trường sống thuận lợi, yên bình và an toàn là những yếu tố thu hút các loại chim nước về sinh sống tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ngày càng nhiều, đông đảo. Nhiều nhất là họ hàng các loại cò. Gần đây, có thêm nhiều loại chim quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt loài Dang sen - một loại chim nước rất to, về sống, làm tổ, đẻ con tại khu bảo tồn sinh thái này.

Có đến tham quan, theo sự hướng dẫn của cán bộ Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đi xuồng len lỏi theo các con kinh rạch nội đồng dẫn vào khu trung tâm được bảo vệ nghiêm ngặt mới tận mắt chứng kiến sự phong phú của quần thể động thực vật quý đang sinh sôi phát triển tại đây: Cò, Diệc, Dang sen làm tổ trên các cây tràm, cây gừa hoặc cà na, trâm, gáo cổ thụ, tiếng kêu hót gọi đàn inh ỏi tạo nên âm thanh khó quên và khó có nơi nào có được.

Dưới nước từng đàn cá lớn, cá bé: Cá lóc, cá dầy, cá rô đồng… ăn mống, đớp mồi vang động trong các khóm bèo, khóm lục bình, khóm sen, súng đang nở đầy hoa tím. Trong bụi rậm là nơi cư trú của các loài bò sát, lưỡng thê, trong đó có cả rắn hổ mang quý hiếm. Xa xa, dưới các tán cây cổ thụ người ta còn bắt gặp các tổ ong vò vẽ rất lớn làm tổ, sinh sôi một cách bình yên.

Nhiều lắm, nhiều lớp sinh vật, động thực vật sống đan xen, cộng sinh hoặc chia lãnh địa cát cứ. Vui nhất là mỗi sớm, mỗi chiều, lên trên chòi cao ngắm nhìn toàn cảnh Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười trải rộng một màu xanh ngút mắt với từng đàn chim, đàn cò bay đi kiếm ăn hoặc trên đường về tổ, rợp cả một khoảng trời trong xanh.

Tiềm năng khai thác du lịch

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn, nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động thực vật thiên nhiên, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 ngày 5/5/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Phước về lãnh đạo phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện đã tập trung mọi nguồn lực, thu hút, mời gọi đầu tư, từng bước hình thành, khai thác, đặt nền móng, tạo đà cho phát triển du lịch của địa phương.

Theo đó, định hướng du lịch của huyện Tân Phước là phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh, trọng tâm là khai thác du lịch tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác. Định hướng đến năm 2025, cơ bản tạo thương hiệu Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười trên thị trường du lịch của tỉnh Tiền Giang. Để tạo đà cho phát triển du lịch, trong những năm qua, địa phương đã tiến hành san lấp mặt bằng, đường dẫn vào khu bảo tồn, đường nội bộ, cầu tàu nhỏ, nhà dừng chân, bãi đậu xe...

Huyện Tân Phước cũng đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức các cuộc khảo sát thực tế tại một số điểm đến du lịch tiềm năng của huyện, trong đó có Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đều đánh giá cao tiềm năng du lịch của huyện, nhất là khả năng kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, ẩm thực đặc trưng của vùng sông nước Đồng Tháp Mười.

Với điểm nhấn là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Tiền Giang cũng như trong thế liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh.

Đây là điểm du lịch mới nhất mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý khách hàng trong năm 2024 nhằm kết hợp thăm quan với tuyến Thiền Viện Trúc Lâm 

Xem Tour: https://www.vietbalotour.com/tour-hanh-huong-thien-vien-truc-lam-chanh-giac-chua-phat-da-lang-det-chieu-hoa-long-dinh