Hướng dẫn viên

Bài thuyết minh tất tần tật khi cho khách tham quan Mộ Bác Giáp

Bài thuyết minh tất tần tật khi cho khách tham quan Mộ Bác Giáp

Thứ Wed, 16/12/2020

BỔ SUNG TÀI LIỆU VỀ TUYẾN THAM QUAN MỘ BÁC GIÁP NHÉ ANH EM

(Vietbalo Tour tổng kết từ nhiều nguồn nên hơi dài dòng)

       Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đầu tiên, Bí thư Quân ủy đầu tiên, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay; người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, một thiên tài quân sự đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 04 tháng 10 năm 2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

     Nhằm bày tỏ tình cảm yêu mến, kính trọng của tuổi trẻ đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hôm nay đoàn mình hành trình xa sôi đến đây để dâng lên người một tấm lòng biết ơn sâu sắc. Có lẽ sau mất mát lớn lao của dân tộc việt nam vì đã phải mất đi người Cha già kính yêu của dân tộc, lần nữa sau Bác hồ kính yêu của chúng ta,lần thứ hai toàn thể non sông mình lại đau đớn đi một cây "Đại Thụ" nữa 

     Thưa quý đoàn, Bác Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông xuất thân trong một gia đình nho giáo, với cụ thân sinh là ông Võ Quang Khiêm - một nhà nho đức độ, và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Gia đình 7 anh chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm, 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Gia đình cụ Nghiêm thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu như nhà Khóa Uy, một Hoa kiều giàu có ở làng Tuy Lộc kề bên. Võ Nguyên Giáp đã có lần theo mẹ chèo thuyền chở thóc đi trả nợ.
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những câu chuyện đêm đêm mẹ kể cho cậu nghe về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống Pháp bảo vệ non sông, còn cha nói về phong trào đánh Pháp qua bài vè “Thất thủ kinh đô” đầy cảm động, đã gieo vào lòng cậu bé những ấn tượng không bao giờ phai mờ, góp phần nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng sau này.

   Cha ông là một nhà Nho nên dạy dỗ con cái rất nghiêm cẩn trong sinh hoạt gia đình và học hành, giữ gìn nề nếp gia phong của đạo Khổng. Ông khuyên dạy con: "Chữ Nho là chữ của Thánh hiền, là nho sinh, các con không được nghịch ngợm, dẫm đạp lên sách vở chữ Nho". Ông dạy đám học trò cùng hai con ông: Tạm thiện tự, Ngũ thiên tự và cả Ấu học tân thư.
Võ Nguyên Giáp học chữ Nho không nhiều nhưng những đạo lý học được trong các sách của Thánh hiền Nho gia, đặc biệt là Ấu học tân thư, đã có ảnh hưởng sâu sắc trong cả cuộc đời ông. Học xong lớp 3 Võ Nguyên Giáp phải xuống thị xã Đồng Hới học tiếp. Đồng Hới khi đó thuộc tỉnh lỵ Quảng Bình, cách làng An Xá của cậu trên 20 cây số, nằm bên bờ Nhật Lệ trong xanh. Những năm học ở thị xã Đồng Hới, Võ Nguyên Giáp ở trọ nhà người quen của cụ Nghiêm.
Cậu được gia chủ quý mến coi như con cháu trong nhà, không lấy tiền trọ, cậu được học với nhà sư phạm có tiếng, thầy giáo Đào Duy Anh. Hai năm học ở tiểu học Đồng Hới, hàng tháng cậu luôn đứng đầu lớp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu toàn tỉnh. Về làng cậu được dân làng nể trọng, gia đình rất tự hào về cậu. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai loại khá).

cho thuê hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh về Mộ bác Giáp

  Hướng dẫn xin được khái quát chút ít về Đường đến Cách mạng của Người:

(PHẦN NÀY HƠI DÀI AI NHỚ ĐƯỢC THÌ NÓI, KO THÌ SƠ LƯỢC THÔI)
Ngoài việc học, Võ Nguyên Giáp sớm có sự quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội, đến đất nước thưở ấy đang trong cảnh nô lệ. Năm 14-15 tuổi, hằng tuần cậu đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu để nghe cụ nói chuyện. “Biệt nhãn” của cụ Phan cũng đã sớm nhận ra tinh thần cách mạng hay một thiên tư nào đó tiềm ẩn trong con người Võ Nguyên Giáp.
Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại “hồi đó, anh Giáp được cụ Phan chú ý và rất thương. Cụ có mấy chục bộ sách cổ kim, thấy anh Giáp hăng hái, nhiệt tình và ham học, cụ bảo: Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”. TS sử học Robert J. O’Neill cho rằng: “Khi Giáp còn đi học, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã được hình thành một cách có sức thuyết phục và đầy cảm hứng bởi cụ Phan Bội Châu”.
Năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (“Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!”), gửi tặng ở tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường tại Sài Gòn. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Sau đó, anh tổ chức một phong trào bãi khóa để phản đối việc nhà trường đàn áp học sinh, đuổi học Nguyễn Chí Diểu, cấm học sinh đọc sách báo yêu nước… Với vai trò người cầm đầu, anh bị đuổi học.

Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Tại Huế, Nguyễn Chí Diểu giới thiệu Võ Nguyên Giáp đến làm việc ở Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, trụ sở đặt ở phố Đông Sa. Sáng lập viên là Đào Duy Anh. Tại đây Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về.
Đầu tháng 10/1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng...
 

Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut. Tuổi 20 của Võ Nguyên Giáp, như Trung tướng Phạm Hồng Cư đã viết, là một thời kỳ sôi nổi, làm việc cật lực: “Làm nhiều việc cùng một lúc: Vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng. Là chiến sĩ cách mạng, là thầy giáo dạy sử, là nhà báo, là sinh viên. Với tinh thần ham mê học tập, năng lực tổ chức và khả năng làm việc gấp đôi, ba người thường, khiến Võ Nguyên Giáp luôn là một sinh viên nổi bật.
Năm 1937, ông nhận bằng Cử nhân luật. Năm 1938, do bận rộn hoạt động cách mạng,ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư. Từ 1936 - 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo tin tức, dân chúng. Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.
Ngày 3/5/1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hồ Chí Minh đã thấy Võ Nguyên Giáp là người triển vọng nên liên hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc và cử anh đi học quân sự tại căn cứ địa Diên An. Trên đường tới Diên An, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh gọi quay lại vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Hồ Chí Minh nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh, cần gấp rút trở về nước chuẩn bị đón thời cơ.
 

     Đường đến với những chiến công oanh liệt
Năm 1940, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Năm 1941 đúng dịp tết Nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng. Trong thời gian ở hang Pắc Bó, Hồ Chí Minh tiên đoán cách mạng sẽ thành công vào năm 1945, một dự đoán chuẩn xác, và tiến hành xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Ngày 22/12/1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 25/12/1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Ngày 14/8/1945, Võ Nguyên Giáp trở thành Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, từ 28/8/1945 đến hết năm 1945, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ.

Từ 7/1947 – 7/1948: Trong Chính phủ Liên hiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp.
Ngày 19/12/1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ. Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.
 

Tháng 8/1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập. Từ tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp là một trong 5 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành ủy viên Bộ Chính trị (thay thế Ban Thường vụ Trung ương) Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.
Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là “Chiến tranh nhân dân” kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Trận Điện Biên Phủ lịch sử và Danh nhân quân sự của Việt Nam
Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung". Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân. Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn". Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 304, 308, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Pháp.
 

Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam.

Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch - Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp:
1. Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)
2. Chiến dịch Biên giới (tháng 9 - 10, năm 1950)
3. Chiến dịch Trung Du (tháng 12/1950)
4. Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951)
5. Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5/1951)
6. Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12/1951)
7. Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9/1952)
8. Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4/1953)
9. Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3 - 5 năm 1954). Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.
Từ 1955 – 1980: Ông làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Từ 1981 – 1991: Ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là Đại biểu Quốc hội từ khóa I – VII
Đại tướng và những tác phẩm quân sự bất hủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều tác phẩm quân sự có giá trị nghiên cứu cao như: "Khu giải phóng" (1946), "Đội quân giải phóng" (1947), "Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược" (1950), "Điện Biên Phủ" (1964), "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng" (1970), "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân" (1972), "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1979), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam" (2000)…
Với những đóng góp cực kỳ to lớn cho cách mạng và kho tàng nghiên cứu của Việt Nam, Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác…

sau cuộc họp giữa Trung ương, tỉnh Quảng Bình và đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trưởng ban tổ chức lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đã chính thức quyết định địa điểm an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu vực biển Vũng Chùa - đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là địa điểm lúc còn sống Đại tướng đã đồng ý với gia đình để Đại tướng yên nghỉ vĩnh hằng. Gần như ngay lập tức, các đơn vị công binh và nhiều lực lượng khác đã tập trung về Vũng Chùa- Đảo Yến mở đường vào khu vực.

 

HƯỚNG DẪN VIÊN XIN NÓI THÊM VỀ NƠI AN NGHỈ CỦA NGƯỜI

Thật ra, điểm yên nghỉ của Đại tướng đã được gia đình chọn lựa từ lâu. Khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến cũng là một huyệt đẹp hội tụ nhiều sinh khí đã được biết từ lâu. Dân xã Quảng Đông coi đây là một nơi thiêng liêng chứa đựng những điều thần bí.

Ông Phạm Xuân Hương, một bô lão trong xã kể lại chuyện xưa được lưu truyền trong nhân dân. Đó là câu chuyện một người Tàu biết đây là khu mộ huyệt đại cát, nếu an táng cha mình vào đây, con cháu sẽ phát tài, hưng vượng, liền đem hài cốt cha mình đến đây chôn trộm. Lúc đó, cả khu vực còn là rừng rậm. Anh ta chờ lúc giữa trưa mới thuê người địa phương đưa vào rừng. Thuyền vừa đỗ dưới bãi, định bước lên bờ thì bỗng trong rừng xuất hiện một đôi hổ, một con đen, một con trắng nhảy ra gầm vang đe dọa. Anh dẫn đường vội vàng đẩy thuyền chạy về.

Nhưng anh người Tàu vẫn không đành, anh ta mượn một thầy phù thủy đi cùng lần nữa. Lần này nghe như sợ thầy phù thủy, không thấy hổ ra dọa nữa. Trèo lên đến miếng đất bằng trên sườn núi, anh ta vội vàng đào mộ rồi đặt hài cốt cha mình xuống, nhưng lạ kỳ, hài cốt đặt xuống đáy hố thì tự nhiên đất lại đùn lên, đẩy gói hài cốt trở lại mặt đất. Thầy phù thủy bày đàn, bấm độn triệu thỉnh thổ địa lên hỏi, thổ địa trả lời: Đây là huyệt mộ đại cát, nhưng không dành cho người này. Chôn xuống sẽ bị đào lên. Anh người Tàu sợ quá, vội mang hài cốt cha mình về Tàu.

Trong sách nêu rõ vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển”, với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn)...

TS Dũng cho biết quần thể danh thắng này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian, như việc người dân vùng này không dám chặt cây chò trắng, vì đây là loại cây tương truyền được long vương dùng xây thủy cung dưới biển. Mà long vương từng nổi sóng lớn giúp dân nhấn chìm chiến thuyền của quân Chiêm khi đến quấy phá dân làng thời Đại Việt. Dân gian còn truyền miệng chuyện năm vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành, đã dừng lại nơi đây lập đàn xin thần linh phù hộ thắng giặc và chúng sinh an lành. Sau đại thắng, vua lại trở về lập đàn cáo cùng trời đất tại đây.

VỀ MẶT PHONG THỦY

Thuật phong thủy chỉ phương pháp tìm kiếm và chọn lựa nơi trú ngụ hoặc mai táng cát tường phú quý, phúc thọ bình yên. Giống như mọi ngành khoa học kĩ thuật cổ truyền khác ở Á Đông, thuật phong thủy cũng dựa vào dịch lí, thuyết âm dương, ngũ hành. Theo các quan niệm cổ truyền, long mạch là những dòng khí mạch chạy trong đất (giống như mạch máu trong cơ thể), nhấp nhô, uốn lượn theo thế núi sông như rồng. Điểm khởi đầu của mạch là nơi sinh khí bắt đầu phát sinh, điểm kết thúc của mạch là nơi sinh khí ngưng tụ. Tại nơi tập kết khí mạch của núi mà xây huyệt mộ sẽ mang lại nhiều điều tốt lành.

Sách Táng thư viết: “Mai táng phải chọn nơi có sinh khí. Kinh viết: Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) ngăn thì dừng. Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do vậy mà có tên là “phong thủy”. Nơi khí tụ là huyệt cát, nơi khí tán là huyệt hung. Huyệt cát phải có thế đứng huyền vũ, nghĩa là lưng dựa vào miền đất cao, hay nhất là cuối dãy núi lớn, trước mặt có khoảng trống, thấp, tốt nhất có dòng nước chảy, bên trái tả thanh long nghĩa là có dãy núi cao tỏa ra như hai cánh tay che bên trái huyệt đất, có hữu bạch hổ, nghĩa là bên phải cũng có một dãy núi, hoặc đất cao che bên trái huyệt đất, có chu tước, nghĩa là ngoài vùng nước có một miền đất cao như cái bình phong chắn gió thổi vào huyệt đất.

Cuốn Táng Kinh viết: “Hình ngăn khí tụ, hóa sinh vạn vật là đất thượng đẳng”, tức là chân huyệt. Nếu không có hình tốt tức thế đất không ngăn được khí. Khí không tụ lại được thì an táng vô nghĩa. Nhưng đất có hình rồi cũng phải có thế. Thế đất cát thì huyệt sẽ cát; huyệt cát thì nhân sẽ cát. Thông thường, an táng ở trên thế đất phình. Táng kinh có viết: Thế đất có bình phong (đằng sau huyệt mộ có đất hoặc núi cao như bức bình phong để dựa, được che chắn) chôn đúng phép, vương hầu nổi lên. Thế đất như tổ yến (tròn, vuông, cân đối) chôn đúng cách, được chia đất phong. Thế đất như rìu kép (tròn, vuông, cân đối, phẳng phiu) mộ huyệt có thể giàu có.

HUYỆT ĐẠI CÁT

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang (ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 7 km. Người dân địa phương từ lâu vẫn gọi đây là thế đất rồng cuộn hổ ngồi, nơi dãy Hoành Sơn đâm từ dãy Trường Sơn ra biển lớn. Địa điểm an táng Đại tướng là lưng chừng triền núi phía Nam mũi Rồng, cách ngọn mũi Rồng khoảng 1km. Theo anh Phan Ngọc Trang - một người dân địa phương, trong khuôn viên được chọn an táng Đại tướng đã xây dựng các tháp thiết kế như kiểu tháp chuông ở các khu tưởng niệm, có một quả chuông bằng đồng, một căn nhà kiểu văn phòng, rộng chừng 50m2 xây lên từ vài năm trước. Bên trong hàng rào là vài con đường đất sỏi và từ trước tới nay chưa có hoạt động gì, nên người dân địa phương không biết để làm gì. Đường từ Quốc lộ 1 vào địa điểm này hiện là đang được tích cực thi công và sẽ hoàn thành trước ngày 12-10-2013.

Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở độ cao 110m lưng núi Vũng Chùa. Huyệt đất quay về hướng Nam. Về phía Bắc núi Vũng Chùa dựa vào dãy núi lớn cao trên 700m. Phía Tây, núi Sú kéo dài như một tay ngai, cao 136m, phía đông, như con hổ lớn ở vị trí Bạch Hổ, dãy Mũi Rồng như một cánh tay dài như một con rồng lớn chạy ra biển ở vị trí Thanh Long. Từ trên huyệt mộ nhìn xuống sẽ thấu cả một vùng biển rộng, có dòng hải lưu chảy từ hướng Tây sang phía Mũi Rồng. Qua khoảng biển rộng khoảng 400m là đảo Yến, gồm hai ngọn như chiếc bình phong chắn gió ở vị trí Chu Tước.

Mảnh đất dự kiến để chôn cất Đại tướng có hình vuông, cân đối, hơi phình như một gò nhỏ, hướng về phía Nam theo câu: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ”. Đó chính là thế đất “Yến sào” có chỗ dựa Huyền Vũ là đỉnh cao trên 400m về phía Bắc.

Mạch khí chảy nghìn dặm từ Trường Sơn xuống dẫn mạch khí từ nghìn dặm Bắc về đến đây, gặp biển tụ lại, Biển mênh mông như một hồ lớn, nhưng trước huyệt đất lại có hải lưu dẫn khí lưu thông mà không tán. Sinh mà tụ là thế đất tuyệt vời này. Phía bên trái, theo cổ truyền là bên tả, dãy núi mũi rồng chảy ra biển, vừa xuôi xuống biển tạo ra một vòng cung chắn khí tản đông mà còn chắn gió đông, không để gió, tức phong, thổi vào huyệt mộ. Đó chính là hình tượng con rồng xanh hầu bên tả. Phía bên phải, hướng Tây núi Sú sừng sững như một con hổ chầu, che những cơn gió thổi vào huyệt đất. Đó chính là Bạch Hổ trừ mọi tai ương.

Phía nam là biển rộng, đóng vai trò minh đường tụ thủy, mạch hải lưu nhẹ cấp thêm sinh khí cho huyệt mộ. Phía xa một chút Đảo Yến như bình phong lớn làm ấm huyệt mộ. Theo người dân địa phương, đất trên núi vốn là đất núi lửa có màu đỏ hồng nhẹ, vùng mưa đều đất ẩm, cây cối xanh tươi quanh năm. Đây đúng là đất “Thái cực biên huân”, hợp với thế đất. Thêm nữa không phải bây giờ mà ngay từ ngàn xưa vùng Vũng Chùa - Đảo Yến đã là nơi chim yến tụ hội ríu rít quanh năm, đúng là đất lành chim đậu,“chim tụ hội thành đàn” đông vui, ríu rít, là đất “tụ khí tàng phong”.

Tổng hợp lại, nơi chôn cất Đại tướng Võ Nguyên Giáp là huyệt đại cát, ứng vào câu “tất phát khoa giáp, định rất phát đinh tài lưỡng vượng, phú quý miên trường, mọi người đều kính phục”. Với những chiến công vì dân vì nước, huyệt mộ đại cát, Đại tướng sẽ là một thiên tướng trấn giữ phía Đông ngăn trừ mọi ma quỷ âm mưu xâm lấn làm hại dân Việt, công đức kéo dài vạn vạn năm.

THUYẾT MINH THÊM VỀ VŨNG CHÙA ĐẢO YẾN

'Núi Rồng' hay 'Vũng Chùa' trở thành những cái tên khiến nhiều người thắc mắc về một địa danh. Ngọn núi Đại tướng sẽ yên giấc ngàn thu có tên chính thức là núi U Voi bởi nhìn trong cả dải núi chạy dài, ngọn núi này có dáng dấp của phần u của một con voi.

Núi U Voi nằm trong dải núi Rồng. Sở dĩ có cái tên núi Rồng là bởi phần đầu của dải núi vô tình có 2 chiếc hang được ví tựa mắt của con rồng. Đây là 2 chiếc hang khá lớn, có vòm hang rộng từ 7 -10m, sâu chừng 30m. Hang không có những nhũ đá mà khá phẳng phiu, người dân vùng biển này vẫn thường vào đây để tham quan thưởng ngoạn.

Dải núi Rồng gồm nhiều ngọn núi thấp uốn lượn quanh eo biển. Phía trước dãy núi này là đảo Yến và bãi biển Vũng Chùa, xa xa là cảng Hòn La tạo thành một quần thể khá hữu tình. Nếu nhìn cả dãy núi này thì vị trí an táng của Đại tướng nằm ở cổ rồng.

Còn tên gọi vũng Chùa do vùng biển nơi đây yên bình như 'vũng', từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn nền móng. Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đảo Yến rộng khoảng 10ha cách bờ khoảng 1km, vẻ đẹp hoang sơ, như bức bình phong nổi lên giữa biển.


Trên đảo không có dân ở, chỉ có vài công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến. Núi Thọ nối liền núi Sú tiếp nối mũi Rồng tạo thành một cánh cung vững chãi đâm ra biển Đông, che chắn gió đông bắc; dưới chân là bãi biển cát trắng vàng trải dài tít tắp, cây cối xanh tươi.

Đảo Yến cũng từng có thời gian được gọi là 'đảo Chùa' vì có ngôi chùa cổ. Ngày nay, cái tên 'đảo Yến' được dùng nhiều hơn cả bởi nơi này giờ được một đơn vị nuôi chim yến khai thác khá hiệu quả.

Vũng Chùa - đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam. Từ trên đỉnh Thọ Sơn phóng tầm mắt về hướng biển là khung cảnh non nước hữu tình, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt.

Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo là Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) nên nơi đây rất kín gió. Những ngày gió bão tàu thuyền thường về đây trú ẩn.

Vũng Chùa là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La mà theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh mũi Rồng che chắn phía Tây - Bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ.

Vùng biển Hòn La nổi tiếng với những sản vật dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài 'cửu khổng quyết minh' hay còn gọi là bào ngư, là những sản vật thường mang đi cung tiến triều đình. Vùng đất này được người dân nơi đây coi là linh thiêng bởi tương truyền năm xưa vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tạ ơn đất trời.

Người dân vẫn cho rằng xã Quảng Đông là một vùng đất linh thiêng bởi hiếm có nơi nào mà trong một xã có đến mấy chục ngôi miếu, đền và am thờ. Cứ đi vài trăm mét lại có một nơi để thờ cúng.

Ngày xưa, trên dãy núi Rồng cũng có 2 ngôi miếu được đặt ở phần 'đầu rồng' và 'đuôi rồng'. Tiếc rằng, trong những năm tháng chiến tranh, máy bay địch rải thảm bom qua nơi này đã khiến 2 ngôi miếu bị sập hoàn toàn.

Giờ đây, người dân ở xã Quảng Đông vẫn còn bất ngờ khi Đại tướng về yên nghỉ tại Vũng Chùa. Theo nhiều người địa phương thì khu vực Đại tướng được chọn để an táng đã được xây dựng một số hạng mục cách đây gần chục năm. Cụ thể tại đây có một căn nhà sàn, một ngôi nhà 2 tầng diện tích lớn và một miếu thờ đã được xây dựng hoàn tất.

Vùng đất nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vũng Chùa - đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) có vị trí rất đẹp. Phía đông nam Vũng Chùa là biển Đông với đảo Yến như tấm bình phong giữa biển trời che trước mặt.

Phía tây bắc là núi Mũi Rồng như tấm lưng vững chãi của non sông Việt Nam mà Đại tướng đã suốt một đời góp công gìn giữ.

Vũng Chùa là một vũng biển nhỏ, có bờ cát trắng bằng phẳng rất tốt để làm bãi tắm. Ở đây có một triền núi nhô ra biển nên người dân địa phương gọi là Mũi Rồng.

Phía nam Mũi Rồng là biển, phía bắc là đất liền. Đảo Yến gồm hai đảo nhỏ dính liền nhau, có diện tích hơn 10 ha, nằm cách bờ biển Vũng Chùa 2km, trên đảo có nhiều hang hốc nên chim yến vẫn tìm về làm tổ.

Vũng Chùa - đảo Yến cách đèo Ngang về phía nam gần 10km. Đứng ở đầu chót đèo Ngang nhìn về phía nam có thể thấy rõ cảnh sắc của vùng biển ở Mũi Rồng. Đèo Ngang, Vũng Chùa tạo nên một quần thể non nước rất hữu tình, với núi vươn ra tận biển, sông và đường uốn lượn dưới chân đèo và biển luôn thấp thoáng những con thuyền...

LƯU Ý: PHẦN CHỈ DẪN ĐƯỜNG VÀ CÁC LƯU Ý KHI THAM QUAN MỘ BÁC GIÁP

   Các bạn phần lớn đi tour từ đồng Hới mình cũng chia sẻ cho bạn nào chưa đi thôi: Quãng đường từ Đồng Hới đến Mộ ~~70km nhé, các bạn Qua Cầu Gianh thì thuyết minh về Bến Phà Sông Gianh hay gì gì đó thì tùy mỗi hdv sau đó đến cây cầu thứ 2 là cầu Ròn...đi thêm khoảng 3 - 4 km nữa sẽ có cái bảng chì dẫn bên phải đi vào 1,4km nữa là đến. còn các bạn đi từ ngoài bắc vào qua đèo ngang hết các bạn cũng chú ý bên táy trái có bảng chỉ dẫn đi vào. 

Chú ý:
1. Trên đường đi có rất nhiều điểm bán hoa (có bảng chỉ dẫn mua hoa bao nhiêu mét đàng hoàng, Hoa cho đoàn khách giao động 200 - 300k/1 lẵng, mua hoa bó thì 30 - 50k bó, có nhang bán đầy đủ.
2. Trước khi xuống xe các HDV phải lưu ý nhắc khách bỏ lại túi xách (Cả các túi nhỏ đựng tiền...nói chung là tất cả các loại túi nhé) trên xe, nếu sợ mất có thể bỏ tiền, điện thoại vào túi quần mang theo).
3. Hướng dẫn viên vào ngay phòng đăng ký khi xuống xe để đăng ký tên đoàn, số lượng...
4. Từ bãi xe lên Mộ khoảng 200m, nên nhắc người lớn tuổi cận thận.
5. Lưu ý trên đó chỉ được thắp mỗi người 1 nén hương và đi ra.

"Bài sưu tầm thuyết minh về Bác Giáp còn có hạn và mang tính khách quan, các bạn khi thuyết minh vui lòng chọn lọc lại kỹ càng, ko sao chép são rỗng cứng nhắc. với lại để không đi sâu vào vến đề chính trị nhé. Mong các bạn góp ý them cái hay cái đẹp chia sẻ cho anh em trong nghề học hỏi. cuối cùng chúc các bạn Đầy nhiệt huyết, dồi dào sức khỏe, tour rần rần, cảm ơn đã ủng hộ trang'